16.5.08

Búp lá mùa xuân vị thuốc dân dã

Búp tre, còn gọi là đọt tre, tên thuốc trong y học cổ truyền là trúc diệp quyển tâm, có vị ngọt nhạt, tính lạnh mát. Chữa đái buốt, đái dắt: Búp tre phối hợp với rau má mỗi thứ 20g, để tươi, rửa sạch, giã nát với vài hạt muối, thêm nước gạn uống. Chữa kiết lỵ kinh niên: Búp tre 4g; hạt cau già 2g; chè tươi 10g sao vàng, sắc với 200ml nước còn 50ml, uống trong ngày. Chữa sốt cao, háo khát: Búp tre 20g; thạch cao nung 12g, tán nhỏ, trộn đều, sắc uống trong ngày.
Búp ổi, chứa nhiều tanin, có tác dụng làm săn, chữa đau bụng, đi ngoài. Mỗi lần dùng 5-7 búp rửa sạch, nhai với vài hạt muối, nuốt nước. Búp ổi 20g, phối hợp với lá khổ sâm 12g, gừng sống 8g băm nhỏ, sắc uống hoặc búp ổi sao qua 20g; vỏ quýt khô, gừng nướng chín mỗi thứ 10g, sắc uống chữa tiêu chảy.
Búp đa lông (tên thuốc là tân di thụ) phối hợp với hoa cây tỳ bà mỗi thứ 20g, phơi khô, tán nhỏ, rây bột mịn. Ngày uống hai lần, mỗi lần 8g với rượu nhạt. Hoặc búp đa lông 20g sao vàng; rễ dâu 40g, dùng sống; quả ké đầu ngựa 20g; cây vòi voi 15g sao, sắc uống sau bữa ăn. Chữa đau đầu, viêm xoang mũi, ngứa mũi, chảy nước trong. Để chữa ho ra máu, lấy búp đa lông 20g, sao cháy, mạch môn 20g sao, cỏ nhọ nồi 15g, sắc uống trong ngày.
Búp bàng (nõn bàng) 2 cái, để tươi, rửa sạch, nhai nát, ngậm trong 10-15 phút, rồi nhổ cả bã lẫn nước, chữa sưng lợi, tụt lợi (một giai đoạn của bệnh viêm nha chu). Ngày làm 2-3 lần. Búp bàng tươi nấu lấy nước đặc rửa, rồi lấy búp phơi khô, tán bột mịn, rắc hằng ngày chữa sâu quảng. Búp bàng phối hợp với lá sòi tía, sắc nước đặc, rửa vết thương chống nhiễm khuẩn.
Búp chè 300g để tươi, vò nát, nấu nước uống làm nhiều lần trong ngày chữa phù thũng. Để chữa tiêu chảy, kiết lỵ, lấy búp chè (loại để lâu ngày) dùng riêng nhai mỗi lần một dúm, nuốt nước dần dần, ngày nhiều lần; hoặc phối hợp với búp ổi mỗi thứ 20g, sao vàng; cam thảo 5g, sắc đặc, uống làm hai lần trong ngày.
Búp dứa dại 20g giã nhỏ với lá ngải cứu 20g, rau bộ nước 30g, lá phèn đen 10g, thêm nước, gạn uống, chữa sỏi thận; hoặc sắc uống với mầm rễ cỏ gừng liều lượng bằng nhau, chữa đái dắt, đái buốt có máu. Dùng ngoài, búp dứa dại và lá đinh hương giã đắp, chữa đinh râu.
Búp sim 8-16g thái nhỏ, sắc uống, chữa đau bụng, tiêu chảy. Có thể tán thành bột mà uống. Để chữa lỵ trực khuẩn, lấy búp sim, phối hợp với búp ổi mỗi thứ 16g; rễ hoàng liên, lá phèn đen, liên kiều, cát căn mỗi thứ 10g sắc uống trong ngày. Dùng 3-5 ngày. Dùng ngoài, búp sim nấu nước rồi cô đặc được dùng rửa làm thuốc sát khuẩn vết thương.
Búp dâu 16g; mè đất 30g sao vàng, hạ thổ; búp cây chanh 12g; hoa cây guốc nước mặn 20g sao vàng. Tất cả thái nhỏ, sắc nước, rồi hòa với đường. Trẻ em 1-3 tuổi, uống mỗi lần 1 thìa cà phê; 4-6 tuổi, mỗi lần 1,5 thìa; 7-9 tuổi, mỗi lần 2 thìa; 10-12 tuổi, mỗi lần 2,5 thìa; 13-15 tuổi, mỗi lần 3 thìa. Ngày uống 2 lần, kiêng ăn chất tanh, chữa ho gà.
Búp ruối, búp tre mỗi thứ 40g; lá hàn the 12g; hoạt thạch 6g. Tất cả cắt nhỏ, sắc uống. Hoặc búp ruối với lá chỉ thiên và lá trầu không non (lượng bằng nhau), sắc uống trong ngày. Chữa sốt rét.
Búp sau sau 50g, ngọn non sa nhân 50g, lá trầu không 30g. Tất cả để tươi, giã nát nhuyễn, trộn với vôi tôi 30g. Bôi nhiều lần trong ngày. Chữa hôi nách.
Búp dứa (đọt thơm) 20-30g, cắt nhỏ, phơi khô, sắc uống, chữa sốt nóng. Búp dứa 30g phối hợp với rau ngót hay rau má 20g; rệp 3-5 con, giã nát, thêm nước, gạn uống, bã đắp, chữa rắn cắn.
Búp thài lài tía, rễ dừa non, hạt mã đề, lá cối xay, lá dâu tằm, lá muồng trâu (sao) mỗi thứ 8g; rau muống 12g; vỏ quýt, gừng sống mỗi thứ 4g. Tất cả thái nhỏ, phơi khô sắc uống chữa phong nhiệt, bí tiểu tiện.
Búp mã đề, mầm củ ấu mỗi thứ 10g, rửa sạch, thái nhỏ, nấu với thịt lợn, ăn vài ngày, chữa táo nhiệt, bí đại tiện ở phụ nữ có mang.

Không có nhận xét nào: