7.4.08

Các bài thuốc dân gian

Cỏ nhọ nồi
Còn có nhiều tên gọi khác như cỏ mực, hạn liên thảo, bạch hoa thảo, thủy hạn liên... Đây là loại cây nhỏ sống vài năm, thường mọc hoang ở nhiều nơi, dân gian thường dùng toàn cây làm vị thuốc cầm máu.
Một số bài thuốc:
Chữa mề đay: Cỏ nhọ nồi, rau diếp cá, lá xương sông, lá huyết dụ, lá khế, lá dưa chuột, lá nhài, lá cải trời giã nát, chế nước vào, vắt lấy nước uống, bã dùng xoa, đắp chỗ sưng.
Chữa mộng tinh: Cỏ nhọ nồi sấy khô, tán nhỏ, uống mỗi lần 8 g với nước cơm, hoặc 30 g sắc uống.
Chữa sốt xuất huyết nhẹ, sốt phát ban, phong nhiệt nổi mẩn: Cỏ nhọ nồi, rau sam, sài đất, huyền sâm, mạch môn, ngưu tất mỗi vị 10 - 15 g. Sắc uống ngày một thang.
Chữa sốt phát ban: Cỏ nhọ nồi 60 g. Sắc uống ngày một thang, chia 2-4 lần uống trong ngày.
Chữa sốt cao: Cỏ nhọ nồi 20 g, sài đất 20 g, củ sắn dây 20 g, cây cối xay 16 g, ké đầu ngựa 12 g, cam thảo đất 16 g. Sắc uống ngày một thang.
Chữa sốt xuất huyết nhẹ: Cỏ nhọ nồi 20 g, lá trắc bá sao đen 12 g, hoa hòe sao đen 12 g, củ hoặc lá sắn dây 20 g, cam thảo đất 16 g. Sắc uống ngày một thang.
Chữa khạc ra máu: Cỏ nhọ nồi 60 g, rễ cỏ tranh 40 g, thêm ít thịt lợn nạc, ninh lấy nước uống.
Chữa chảy máu cam: Cỏ nhọ nồi 20 g, hoa hòe sao đen 20 g, cam thảo đất 16 g. Sắc uống ngày một thang.
Chữa tiêu chảy ra máu: Cỏ nhọ nồi đem sấy khô trên miếng ngói, tán bột, uống mỗi lần 6 g với nước cháo.
Chữa viêm họng: Cỏ nhọ nồi 20 g, bồ công anh 20 g, củ rẻ quạt 12 g, kim ngân hoa 16 g, cam thảo đất 16 g. Sắc uống ngày một thang.
Nếu bị đau họng, bạn có thể lấy lá tre non 8 g, lá dưa chuột 8 g, giã nát, ngâm vào nước một lúc, lọc lấy nước trong mà ngậm, uống.
Lá tre:
Xông lá tre giải cảm: Lá tre, lá cúc tần, lá bưởi, lá sả, mỗi thứ một nắm cho vào nồi nước đang sôi, chờ cho sôi lại, đem ra xông cho ra mồ hôi, lau khô người nằm nghỉ nơi kín gió. Nếu lá được rửa sạch, sẽ uống được cả nước, uống khi còn nóng thì càng chóng khỏi. Dùng cho người cảm lạnh, sốt, đau đầu, không ra mồ hôi.
Nếu cảm nắng da nóng, ra mồ hôi nhiều, khát nước, lấy lá tre 20 g, hương nhu tía 15 g, rau má tươi 15 g, cỏ nhọ nồi tươi 15 g, lá sắn dây tươi 10 g, sắc uống.
Chảy máu chân răng (tạng nhiệt): Lá tre sắc đặc, ngậm trong miệng cho ngấm vào chân răng; kèm theo uống thuốc: lá tre 20 g, cỏ nhọ nồi 15 g, bạc hà 10 g, sắc uống.
Chốc lở: Tre non tươi, giã mịn, đắp vào nơi tổn thương. Trước khi đắp, rửa sạch nơi tổn thương bằng nước bèo cái hoặc lá trầu không sắc đặc, cho hết máu mủ.
Uống rượu bị nhức đầu: Lấy tinh tre (lớp trắng mềm ngay dưới lớp xanh cứng ở ngoài) 80 g tươi hoặc khô, tẩm gừng sao, sắc với 300 ml nước, bỏ bã, đập 3 quả trứng gà vào nấu chín. Ăn trứng và uống nước.
Cơ thể suy nhược sau ốm dậy: Lá tre bánh tẻ 20 g (với trẻ em) hoặc 60 g (người lớn), sắc uống ngày 3 lần sáng, trưa, tối.
Bị vấp ngã, vết thương sưng tím: Lá tre tươi 100 g, sắc đặc, pha thêm một chén rượu. Uống hàng ngày cho đến khi khỏi. Phụ nữ có thai không được uống. Khi toàn thân đau nhức thì nấu nước lá tre xông tắm và uống nước sắc (nói trên).
Đau dạ dày, nôn mửa nước chua, ợ hơi nóng: Tinh tre (sao gừng khô thơm) 30-50 g, sắc uống ngày 2-3 lần, uống nhiều lần trong ngày.
Phụ nữ hành kinh kéo dài: Tinh tre 120 g, sao giòn, tán thành bột mịn, mỗi lần uống 12 g với nước chín, ngày 2 lần.
Trẻ em nôn mửa, tiêu chảy: Tinh tre, gừng sống, hoắc hương mỗi thứ 4 g. Sắc lấy nước uống khi còn ấm.
Ho có đờm: Tinh tre (sao thơm) 30-50 g có thể cô đặc với mật ong. Trẻ em dùng liều bằng 1/2 người lớn.
Trẻ em nôn, trớ, ho có đờm: Tre non tươi 15 g, gừng tươi 5 g nướng, giã nát, cho 10 ml nước chín, trộn đều vắt lấy nước cho uống nhiều lần trong ngày.
Trẻ em sốt về đêm, nói nhảm: Nước vòi măng tre non hòa với ít nước gừng, uống ngày 2 lần, mỗi lần 1/2 chén con thì yên (Tuệ Tĩnh - Nam dược thần hiệu).
Sa tử cung: Rễ tre (rửa sạch, chặt đoạn ngắn) 500 g, sắc đặc, lọc lấy nước (bỏ bã) ngâm rửa khi nước còn ấm.
Chú ý: Theo kinh nghiệm dân gian, nên chọn loại tre gai, cây nhỏ, mắt to có rãnh dọc giữa các đốt. Lá tre dùng khi còn cuộn tròn chưa mở ra, tươi hay khô nhưng dùng tươi tốt hơn. Tinh tre lấy ở tre vừa đủ lá, bỏ đốt, cạo bỏ lớp xanh ngoài lấy tinh phơi, xanh là tốt.
Nấm
Không chỉ là món ăn ngon, các loại nấm còn có tác dụng tăng cường sức đề kháng cơ thể, chống lão hóa, làm giảm nguy cơ mắc các bệnh như ung thư, tim mạch...
Nấm ăn là những loại nấm không độc hại, được con người dùng làm thực phẩm. Ở Trung Quốc, nấm hương đã được biết đến từ thời Xuân thu Chiến quốc. Nấm được các y thư cổ đánh giá là thứ "ăn được, bồi bổ được, có thể dùng làm thuốc, toàn thân đều quý giá".
Trong giới sinh vật có gần 7 vạn loài nấm, nhưng chỉ có hơn 100 loài có thể ăn hoặc dùng làm thuốc, thông dụng nhất là mộc nhĩ đen, ngân nhĩ, nấm hương, nấm mỡ, nấm rơm, nấm kim châm, nấm trư linh... Ngoài nguồn thu hái từ thiên nhiên, người ta đã trồng được hơn 60 loài theo phương pháp công nghiệp với năng suất cao. Nhiều nhà khoa học cho rằng, nấm sẽ là một trong những thực phẩm rất quan trọng và thông dụng của con người trong tương lai.
Ngoài giá trị cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, nấm ăn còn có nhiều tác dụng dược lý khá phong phú như:
Tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể: Các polysaccharide trong nấm có khả năng hoạt hóa miễn dịch tế bào, thúc đẩy quá trình sinh trưởng và phát triển của tế bào lympho, kích hoạt tế bào lympho T và lympho B. Nấm linh chi, nấm vân chi, nấm đầu khỉ và mộc nhĩ đen còn có tác dụng nâng cao năng lực hoạt động của đại thực bào.
Kháng ung thư và kháng virus: Trên thực nghiệm, hầu hết các loại nấm ăn đều có khả năng ức chế sự phát triển của tế bào ung thư. Với nấm hương, nấm linh chi và nấm trư linh, tác dụng này đã được khảo sát và khẳng định trên lâm sàng. Nhiều loại nấm ăn có công năng kích thích cơ thể sản sinh interferon, nhờ đó ức chế được quá trình sinh trưởng và lưu chuyển của virus.
Dự phòng và trị liệu các bệnh tim mạch: Nấm ăn có tác dụng điều tiết công năng tim mạch, làm tăng lưu lượng máu động mạch vành, hạ thấp oxy tiêu thụ và cải thiện tình trạng thiếu máu cơ tim. Các loại nấm như ngân nhĩ (mộc nhĩ trắng), mộc nhĩ đen, nấm đầu khỉ, nấm hương, đông trùng hạ thảo... đều có tác dụng điều chỉnh rối loạn lipid máu, làm hạ lượng cholesterol, triglycerid và beta-lipoprotein trong huyết thanh. Ngoài ra, nấm linh chi, nấm mỡ, nấm rơm, nấm kim châm, ngân nhĩ, mộc nhĩ đen còn có tác dụng làm hạ huyết áp.
Giải độc và bảo vệ tế bào gan: Kết quả nghiên cứu cho thấy, nhiều loại nấm ăn có tác dụng giải độc và bảo vệ tế bào gan rất tốt. Ví như nấm hương và nấm linh chi có khả năng làm giảm thiểu tác hại đối với tế bào gan của các chất như carbon tetrachlorid, thioacetamide và prednisone, làm tăng hàm lượng glucogen trong gan và hạ thấp men gan. Nấm bạch linh và trư linh có tác dụng lợi niệu, kiện tỳ, an thần, thường được dùng trong những đơn thuốc Đông dược điều trị viêm gan cấp tính.
Kiện tỳ dưỡng vị: Nấm đầu khỉ có khả năng lợi tạng phủ, trợ tiêu hóa, có tác dụng rõ rệt trong trị liệu các chứng bệnh như chán ăn, rối loạn tiêu hóa, viêm loét dạ dày tá tràng. Nấm bình có tác dụng ích khí sát trùng, phòng chống viêm gan, viêm loét dạ dày tá tràng, sỏi mật. Nấm kim châm và nấm kim phúc chứa nhiều arginine, có công dụng phòng chống viêm gan và loét dạ dày.
Hạ đường máu và chống phóng xạ: Khá nhiều loại nấm ăn có tác dụng làm hạ đường máu như ngân nhĩ, đông trùng hạ thảo, nấm linh chi... Cơ chế làm giảm đường huyết của đông trùng hạ thảo là kích thích tuyến tụy bài tiết insulin. Ngoài công dụng điều chỉnh đường máu, các polysaccharide B và C trong nấm linh chi còn có tác dụng chống phóng xạ.
Thanh trừ các gốc tự do và chống lão hóa: Gốc tự do là các sản phẩm có hại của quá trình chuyển hóa tế bào. Nhiều loại nấm ăn như nấm linh chi, mộc nhĩ đen, ngân nhĩ... có tác dụng thanh trừ các sản phẩm này, làm giảm chất mỡ trong cơ thể, từ đó có khả năng làm chậm quá trình lão hóa và kéo dài tuổi thọ.
Ngoài ra, nhiều loại nấm ăn còn có tác dụng an thần, trấn tĩnh, rất có lợi cho việc điều chỉnh hoạt động của hệ thần kinh trung ương. Gần đây, nhiều nhà khoa học còn phát hiện thấy một số loại nấm ăn có tác dụng phòng chống AIDS ở mức độ nhất định, thông qua khả năng nâng cao năng lực miễn dịch của cơ thể.
Một số loại nấm ăn điển hình
Nấm hương: Còn gọi là nấm đông cô, hương cô, hương tín, hương tẩm..., được mệnh danh là “hoàng hậu thực vật”, là “vua của các loại rau” (can thái chi vương). Trong 100 g nấm hương khô có 12-14g protein (vượt xa so với nhiều loại rau khác). Nấm hương có tác dụng điều tiết chuyển hóa, tăng cường năng lực miễn dịch của cơ thể, ức chế tế bào ung thư, hạ huyết áp, giảm cholesterol máu, phòng ngừa sỏi mật và sỏi tiết niệu, trợ giúp tiêu hóa... Đây là thức ăn lý tưởng cho những người bị thiếu máu do thiếu sắt, cao huyết áp, tiểu đường, rối loạn lipid máu, trẻ em suy dinh dưỡng.
Nấm rơm: Còn gọi là bình cô, lan hoa cô, ma cô..., là một trong những loại nấm ăn được sử dụng rất rộng rãi, có giá trị dinh dưỡng khá cao. Nấm rơm là thức ăn rất tốt cho những người bị cao huyết áp, rối loạn lipid máu, vữa xơ động mạch, tiểu đường, ung thư và các bệnh lý mạch vành tim.
Nấm mỡ: Còn gọi là nhục tẩm, bạch ma cô, dương ma cô..., cũng là một trong những loại nấm có giá trị dinh dưỡng cao. Nấm mỡ có tác dụng làm giảm đường và cholesterol máu, phòng chống ung thư và cải thiện chức năng gan. Bởi vậy, đây là loại thực phẩm rất thích hợp cho những người bị ung thư, tiểu đường, tăng cholesterol máu, cao huyết áp, giảm bạch cầu và viêm gan.
Ngân nhĩ: Còn gọi là mộc nhĩ trắng, bạch mộc nhĩ, nấm bạc, bạch nhĩ tử..., cũng là một loại nấm khá giàu chất dinh dưỡng. Ngân nhĩ có tác dụng tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể, nâng cao năng lực tạo máu của tủy xương, cải thiện chức năng của gan và thận, thúc đẩy quá trình tổng hợp protid trong gan, làm giảm cholesterol máu, chống phù và chống phóng xạ. Bởi vậy, ngân nhĩ là thực phẩm rất tốt cho những người bị suy nhược cơ thể, suy nhược thần kinh, bị các bệnh lý đường hô hấp, cao huyết áp, thiểu năng tuần hoàn não...
Mộc nhĩ đen: Còn gọi là vân nhĩ, thụ kê, mộc nhu, mộc khuẩn... Mộc nhĩ đen chứa nhiều protid, chất khoáng và vitamin. Mộc nhĩ đen có khả năng ức chế quá trình ngưng tập tiểu cầu, phòng chống tình trạng đông máu do nghẽn mạch, ngăn cản sự hình thành các mảng vữa xơ trong lòng huyết quản. Ngoài ra, còn có tác dụng chống lão hóa, chống ung thư và phóng xạ. Bởi vậy, mộc nhĩ đen là thực phẩm lý tưởng cho những người bị cao huyết áp, vữa xơ động mạch, thiểu năng tuần hoàn não, thiểu năng động mạch vành và ung thư
Quất - trị ho
Cây quất không chỉ là cây cảnh cho ngày Tết mà còn là vị thuốc quý trong cả năm. Đặc biệt, đây là vị thuốc trị ho rất hiệu nghiệm, hiệu quả tăng khi kết hợp với các vị thuốc trị ho khác như hoa hồng bạch, hạt chanh...
Chơi Tết song, nếu có điều kiện, bạn nên trồng quất ra vườn để cây tiếp tục ra hoa thơm, kết trái đẹp vào các năm sau; hoàn cảnh chật hẹp mới đành lòng bỏ nó đi. Nhưng trước đó, phải hái hết quả để làm thức uống giàu dinh dưỡng, có tác dụng phòng chữa bệnh cho gia đình. Riêng đối với một số bệnh thông thường của trẻ em và người già thì cây quất rất được trọng dụng vì nó vừa là thức ăn, vừa làm thuốc chữa ho tiêu đờm.
Theo Đông y, quả quất vị ngọt chua, tính ấm, vào các kinh phế, vị, can. Nó có công năng hóa đàm, trị ho, giải uất, tiêu thực, giải rượu. Vỏ có tác dụng mạnh hơn. Quất để càng lâu càng tốt.
Quả quất giàu vitamin C, tinh dầu, chất đường, chất xơ pectin, một số muối khoáng có tác dụng dinh dưỡng và phòng chữa bệnh. Quả quất chín được dùng thay chanh, lá quất được dùng khi không có lá chanh. Chúng đều có tác dụng chữa bệnh hô hấp và tiêu hóa.
Giải khát mùa hè: Nước quất ngâm đường hoặc muối pha loãng, có đá hoặc không.
Chữa ho: Quả quất chín 10 g, hoa hồng bạch 10 g, hạt chanh 10 g, rửa sạch, cho vào bát cùng với một ít mật ong hay đường phèn, đem hấp cơm 20 phút, lấy ra nghiền nát, chắt lấy nước để uống.
Chữa ho gà: Quất 10 quả, gừng tươi 6 g, thiên trúc hoàng 6 g. Sắc lấy nước uống ngày một lần.
Ho do phế nhiệt: Dùng quả quất với củ cải ép lấy nước uống.
An thần giảm ho: Quất hai quả (bỏ vỏ, hạt, vách múi), bột ngó sen một ít, đường 100 g, một ít hoa quế, nấu chè ăn.
Đau chướng bụng: Quất tươi chín ăn liền khoảng 5-10 quả lúc đói.
Nghẹn hoặc thỉnh thoảng bị nghẹn: Vỏ quất 20 g sấy khô tán bột, sắc lấy nước uống.
Nôn mửa: Vỏ quất sao 9 g, gừng tươi nướng, sắc uống.
Cảm mạo: Lá quất 30 g, sắc với 3 bát nước còn một bát, hòa với ít đường cho dễ uống, uống nóng.
Ngoài ra, trong vỏ của quất, quýt, cam có chất tinh dầu giúp ngăn ngừa phát sinh ung thư gan, thực quản, đại tràng, da... Các nhà khoa học Nhật Bản cho biết, ăn quất cả vỏ sẽ cho vitamin C, chất xơ rất có lợi cho tiêu hóa và hạ được cholesterol, làm vững chắc thành mạch, chữa bệnh tăng huyết áp.
Rau dền đỏ
Các bài thuốc dân gian
Theo Đông y, rau đền đỏ vị ngọt, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, làm mát máu, lợi tiểu, sát trùng. Danh y Lý Thời Trân (thời Minh, Trung Quốc) cho rằng rau dền đỏ có tác dụng trị nhiệt lỵ, huyết nhiệt sinh mụn nhọt.
Chú ý: Rau dền đỏ rất kỵ với tiết canh, đặc biệt là tiết canh vịt và tiết canh lợn; có thể gây tháo dạ (tiêu chảy) nếu ăn cùng.
Một số bài thuốc Nam được dùng trong dân gian:
Chữa tăng huyết áp: Rau dền đỏ 20 g, lá mã đề non tươi 20 g, lá dâu non 20 g, nấu canh ăn hằng ngày.
Chữa lỵ ra máu: Rau dền đỏ 20 g, lá mơ lông 20 g, rau sam 20 g, cam thảo đất 16 g, sắc uống ngày một thang. Hoặc rau dền đỏ 30 g, rau sam 30 g, nấu canh ăn ngày 1-2 lần.
Chữa mụn nhọt: Rau dền đỏ 20 g, bồ công anh 20 g, kim ngân hoa 16 g, cam thảo đất 16 g. Có thể dùng rau dền đỏ giã nát đắp lên mụn nhọt.
Chữa sơn ăn mặt: Rau dền đỏ giã nát, đắp ngoài.
Chữa huyết nhiệt sinh lở ngứa: Rau dền đỏ 20 g, kim ngân hoa 12 g, ké đầu ngựa 16 g, cam thảo đất 16 g. Sắc uống ngày một thang.
Củ Kiệu
Kiệu là loại cây thảo, thân hành mầu trắng, có nhiều vảy mỏng bọc bên ngoài. Theo đông y, củ kiệu có vị cay, đắng, tính ấm; vào ba kinh phế, vị và đại tràng. Có tác dụng lý khí, chống tức ngực, thông dương khí, tán uất kết, kiện vị, tiêu thực.
Chủ trị tức ngực, khó chịu ở vùng dạ dày, nôn mửa, kiết lỵ, ung nhọt lở loét, ....
- Liều dùng: 5-10g khô (tươi 30-60g), sắc hoặc tán bột, làm viên uống. Dùng ngoài giã đắp hoặc vắt lấy nước bôi.
- Kiêng kỵ: Người phát nóng do "khí hư" hoặc "âm hư", mồ hôi ra nhiều, đầu đau không nên dùng độc vị. Kiệu có tính hoạt lợi, không bị tích trệ cũng không nên dùng.
Một số bài thuốc có sử dụng củ kiệu:
- Chữa tỵ uyên (viêm mũi mạn tính): Dùng củ kiệu 9g, tân di hoa 6g, mộc qua 9g; nấu nước uống trong ngày.
- Qua lâu giới bạch bạch tửu thang: Dùng qua lâu 1 trái (giã nát), giới bạch 15g, rượu trắng 100 ml, nước 500 ml, cùng sắc uống. Sắc lấy 200 ml dịch thuốc, chia ra uống dần; uống ấm - nếu nguội cần hâm lại. Tác dụng: Chữa chứng tức ngực, đau thắt tim, suyễn thở do hàn đàm ứ đọng gây nên.
- Chỉ thực giới bạch quế chi thang: Chỉ thực 4 trái, hậu phác 12g, giới bạch 15g, quế chi 9g, qua lâu 1 trái (giã nát). Năm vị đem sắc-với 100 ml nước. Đầu tiên nấu chỉ thực và hậu phác, sắc lấy 500ml dịch thuốc, bỏ bã, sau đó cho các vị thuốc còn lại vào, nấu nhỏ lửa thêm 20-30 phút là được. Chia ra 3 lần uống trong ngày, uống ấm. Tác dụng: Chữa tức ngực, đau tức ở vùng tim.
- Chữa đau thắt tim: Dùng củ kiệu 9g, qua lâu 18g, đan sâm 9g, khương hoàng 9g, ngũ linh chi 9g, quế chi 6g, đào nhân 9g, hồng hoa 9g, viễn chí 9g, trầm hương bột 3g (hòa vào sau). Sắc nước uống trong ngày.
- Chữa kiết lỵ, ỉa chảy, mót rặn: Dùng củ kiệu 9g, sài hồ 9g, bạch thược 12g, chỉ thực 6g, cam thảo 4g. Sắc nước uống.
- Chữa xích lỵ - đi lỵ phân lẫn máu: Dùng củ kiệu 12g, hoàng bá 6g, sắc nước uống. Hoặc dùng kiệu 1 nắm, thái nhỏ, nấu cháo ăn.
- Chữa ỉa chảy, nôn khan không ngừng: Dùng kiệu 1 nắm, nước 500ml, sắc cạn còn một nửa, chia thành nhiều lần uống.
- Chữa hôn mê do trúng khí độc: Dùng kiệu giã nát, vắt lấy nước nhỏ vào mũi.
- Chữa lở ngứa: Dùng lá kiệu nấu nước rửa, hoặc giã nát đắp lên chỗ da bị bệnh.
- Chữa bỏng: Dùng kiệu giã nhỏ, hòa với mật ong, vắt lấy nước bôi vào chỗ bị bỏng, giúp da chóng lành.
- Chữa hóc xương cá: Dùng kiệu 1 nhúm, nhai nát, cuốn một đầu sợi dây nhỏ vào trong, nuốt đến chỗ xương bị hóc, cầm đầu dây kéo ra từ từ.
Búp lá cây
Xuân về, cây cối đâm chồi, nảy lộc. Nhiều búp lá xanh là những vị thuốc mà dân gian tín nhiệm. Chẳng hạn, búp tre giảm sốt, búp ổi chữa tiêu chảy, búp bàng chữa viêm quanh răng...
Búp tre
Còn gọi là đọt tre, tên thuốc trong y học cổ truyền là trúc diệp quyển tâm, có vị ngọt nhạt, tính lạnh mát.
Chữa đái buốt, đái dắt: Búp tre phối hợp với rau má mỗi thứ 20 g, để tươi, rửa sạch, giã nát với vài hạt muối, thêm nước gạn uống.
Chữa kiết lỵ kinh niên: Búp tre 4 g; hạt cau già 2 g; chè tươi 10 g sao vàng, sắc với 200 ml nước còn 50 ml, uống trong ngày.
Chữa sốt cao, háo khát: Búp tre 20 g; thạch cao nung 12 g, tán nhỏ, trộn đều, sắc uống trong ngày.
Búp ổi
Chứa nhiều tanin, có tác dụng làm săn, chữa đau bụng, đi ngoài. Mỗi lần dùng 5-7 búp rửa sạch, nhai với vài hạt muối, nuốt nước. Hoặc: Búp ổi 20 g, phối hợp với lá khổ sâm 12 g, gừng sống 8 g băm nhỏ, sắc uống hoặc búp ổi sao qua 20 g; vỏ quýt khô, gừng nướng chín mỗi thứ 10 g, sắc uống chữa tiêu chảy.
Búp bàng
Chữa sưng tụt lợi: Búp bàng 2 cái để tươi, rửa sạch, nhai nát, ngậm trong 10-15 phút, rồi nhổ cả bã lẫn nước.
Chống nhiễm khuẩn: Búp bàng phối hợp với lá sòi tía, sắc nước đặc, rửa vết thương.
Búp chè
Chữa phù thũng: Búp chè 300 g để tươi, vò nát, nấu nước uống làm nhiều lần trong ngày.
Chữa tiêu chảy, kiết lỵ: Lấy búp chè (loại để lâu ngày) dùng riêng nhai mỗi lần một dúm, nuốt nước dần dần, ngày nhiều lần. Hoặc phối hợp với búp ổi mỗi thứ 20 g, sao vàng; cam thảo 5 g, sắc đặc, uống làm hai lần trong ngày.
Búp dứa dại
Búp dứa dại 20 g giã nhỏ với lá ngải cứu 20 g, rau bộ nước 30 g, lá phèn đen 10 g, thêm nước, gạn uống, chữa sỏi thận. Hoặc sắc uống với mầm rễ cỏ gừng liều lượng bằng nhau, chữa đái dắt, đái buốt có máu.
Dùng ngoài, búp dứa dại và lá đinh hương giã đắp, chữa đinh râu.
Búp sim
Búp sim 8-16 g thái nhỏ, sắc uống, chữa đau bụng, tiêu chảy. Có thể tán thành bột mà uống. Để chữa lỵ trực khuẩn, lấy búp sim và búp ổi mỗi thứ 16 g; rễ hoàng liên, lá phèn đen, liên kiều, cát căn mỗi thứ 10 g sắc uống trong ngày. Dùng 3-5 ngày.
Dùng ngoài, búp sim nấu nước rồi cô đặc được dùng rửa làm thuốc sát khuẩn vết thương.
Búp dâu
Để chữa ho gà, lấy búp dâu 16 g; mè đất 30 g sao vàng, hạ thổ; búp cây chanh 12 g; hoa cây guốc nước mặn 20 g sao vàng. Tất cả thái nhỏ, sắc nước, rồi hòa với đường. Trẻ em 1-3 tuổi, uống mỗi lần 1 thìa cà phê; 4-6 tuổi mỗi lần 1,5 thìa; 7-9 tuổi mỗi lần 2 thìa; 10-12 tuổi mỗi lần 2,5 thìa; 13-15 tuổi mỗi lần 3 thìa. Ngày uống 2 lần, kiêng ăn chất tanh.

Không có nhận xét nào: